Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951 – 14/5/2016), phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn TS. Nguyễn Thiên Tuế - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) - về những đóng góp của trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương những năm qua và định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới.
Tiến sĩ Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyên Hiệu trưởng IUH phát biểu chỉ đạo: IUH tiếp tục đầu tư đổi mới và xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia của ngành Công Thương
Được đánh giá là một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương, IUH đã có những giải pháp gì để đạt kết quả đó, thưa ông?
Trong những năm qua, nhà trường luôn xác định chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu. Đặc biệt, sau khi được nâng cấp lên thành trường đại học từ Trường Cao đẳng Công nghiệp IV (năm 2004), IUH đã tập trung mọi nguồn lực, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, có các công trình nghiên cứu đạt trình độ quốc gia và quốc tế.
TS. Nguyễn Thiên Tuế
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng IUH
IUH hiện là một trong những cơ sở giáo dục đại học lớn tại Việt Nam, với 3 cơ sở đào tạo đặt tại các trung tâm kinh tế sôi động như: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Thanh Hóa; có hệ thống phòng thực hành, phòng thí nghiệm hiện đại thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Trường triển khai đào tạo các bậc học: Tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ và CĐ nghề với quy mô gần 40.000 học sinh - sinh viên (SV) ở hơn 36 chuyên ngành thuộc khối ngành công nghệ, kỹ thuật và kinh tế. Trung bình mỗi năm, trường cung cấp cho xã hội hơn 8.000 kỹ sư, cử nhân lành nghề. Chất lượng đào tạo và các hoạt động toàn diện trong nhà trường ngày càng nâng cao. SV của trường đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho SV. Trong nhiều năm liên tục, SV của trường đã đạt nhiều giải thưởng trong hội thi tay nghề các cấp, từ địa phương, ngành, quốc gia và quốc tế, dẫn đầu khối các trường ngành Công Thương. Điển hình là tại cuộc thi tay nghề thế giới 2015, SV Nguyễn Duy Thanh đã đạt Huy chương Đồng - huy chương đầu tiên của Việt Nam từ khi tham gia các kỳ thi này.
Hiện nay, IUH là trường có đội ngũ giảng viên đông đảo và chất lượng nhất của ngành Công Thương với gần 1.300 người, trong đó có 20 giáo sư, phó giáo sư và 159 tiến sĩ. Trong 5 năm gần đây, số lượng các đề tài khoa học cấp bộ, tỉnh-thành phố, Nhà nước do cán bộ, giảng viên của trường làm chủ nhiệm là 46 đề tài, với tổng kinh phí thực hiện gần 30 tỉ đồng. Cùng trong thời gian đó, trường đã công bố 528 bài báo khoa học quốc tế, trong đó hơn 215 bài thuộc hạng SCI và SCIE.
Có thể khẳng định, cùng với sự hình thành và phát triển của ngành Công Thương Việt Nam, trong 60 năm qua, IUH luôn giữ vai trò đầu tàu của ngành Công Thương trong lĩnh vực cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng nghề nghiệp tiếp cận với thực tiễn trên các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị vật chất và tinh thần phục vụ cho sự phát triển kinh tế -xã hội của ngành Công Thương và của đất nước một cách có hiệu quả.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vậy nhà trường đã hợp tác với các trường và các tổ chức quốc tế như thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo?
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. IUH xem đây là bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chính vì thế, quan hệ quốc tế của nhà trường được chú trọng mở rộng với các trường đại học danh tiếng thế giới, như: Hoa Kỳ, Canada, Bỉ, Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc… Tin tưởng vào năng lực đào tạo của trường, tháng 6/2013, Bộ Công Thương và Cơ quan hợp tác Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã ký kết dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp nặng (NCNN) - công nghiệp hóa chất (CNHC) tại trường. Dự án có mục tiêu chính là hỗ trợ cơ sở Thanh Hóa của trường xây dựng mô hình phát triển nguồn nhân lực mới để cung cấp các kỹ sư có kỹ năng thực hành và khả năng sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của NCNN - CNHC Việt Nam, như một mô hình phát triển nguồn nhân lực thí điểm.
Qua những chương trình hợp tác này, SV IUH có cơ hội nhận được bằng cấp và chất lượng đào tạo quốc tế; trình độ giảng viên được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Thầy Châu Minh Quang – Trưởng khoa Công nghệ cơ khí hướng dẫn sinh viên thực hành trên máy CNC hiện đại
Bộ Công Thương đồng ý kế hoạch xây dựng IUH thành trường trọng điểm quốc gia. Xin ông cho biết, hiện nay nhà trường đã và đang có những bước chuẩn bị nào để thực hiện đề án này?
Để thực hiện đề án xây dựng IUH thành trường đại học trọng điểm quốc gia, nhà trường tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, phấn đấu đến 2020 đạt 25% giảng viên có học vị tiến sĩ trong đó có 8 giáo sư, 40 phó giáo sư. Xây dựng chuẩn hóa các chương trình đào tạo theo hướng hội nhập và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Vừa qua, trường đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm định xong. Trong vài năm tới, trường sẽ tiếp tục tiến hành kiểm định các ngành đào tạo. Cụ thể, sẽ có 4 ngành kiểm định theo tiêu chuẩn ABET, 6 ngành kiểm định theo tiêu chuẩn AUN và 16 ngành kiểm định theo chuẩn quốc gia.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và hợp tác quốc tế, đặc biệt nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn dựa trên cơ sở các thành tựu của khoa học cụ thể cho các ngành: Công nghệ cơ khí và tự động hóa, sinh học, điện tử- tự động hóa - viễn thông; chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến vào điều kiện thực tiễn ở nước ta...
Bên cạnh đó, nhà trường đầu tư có trọng điểm cho các phòng thực hành, thí nghiệm phục vụ cho công tác NCKH, đào tạo bậc sau đại học; xây dựng cơ sở mới tại quận 12 có tổng diện tích hơn 26,7 ha theo mô hình hiện đại, xanh sạch đẹp. Dự kiến, năm 2017 sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục công trình để đưa vào sử dụng, giảm bớt áp lực tại cơ sở chính.
Cảm ơn Hiệu trưởng!
Nguồn: Báo Công Thương - Phóng viên Thanh Minh